Đây là cách Trung Quốc vươn lên làm "bá chủ" ngành ô tô điện thế giới

09:49 | 21/05/2024 - Quang Anh
Theo dõi Auto5 trên
Không chỉ có chính sách hỗ trợ, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc còn nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ chính phủ nhằm "bành trướng" ra toàn cầu.

Đầu những năm 2000, trước khi bước vào lĩnh vực xe điện, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đối diện tình cảnh trái ngược khi mang tiếng là một cường quốc sản xuất ô tô nhưng không có thương hiệu nội địa nào đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà với các hãng xe ngoại.

Giải pháp ngắn hạn mà Trung Quốc từng áp dụng là sao chép và đạo nhái các thương hiệu hạng sang nhằm thu hút khách hàng, nhưng hiệu quả không đạt được như kỳ vọng. Sau khi thất bại với ô tô dùng động cơ đốt trong và không thể cạnh tranh với xe hybrid của Nhật Bản, Trung Quốc quyết định từ bỏ nền tảng công nghệ cũ và đầu tư vào lối đi mới, đó là ô tô năng lượng mới nói chung và xe điện nói riêng.

Sự hậu thuẫn từ chính phủ

Vượt qua các cường quốc ô tô như Đức, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc đang trên đà trở thành một đế chế mới trong ngành công nghiệp ô tô bằng xe điện. Trong 2 năm qua, số lượng xe điện bán ra hàng năm tại Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần, từ 1,3 triệu xe lên 6,8 triệu xe, khiến năm 2022 trở thành năm thứ 8 liên tiếp quốc gia này là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Chìa khóa cho sự tăng trưởng vượt bậc này phần lớn là nhờ vai trò quan trọng của Chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ nguồn cung và cầu về xe điện. Với tiềm lực sẵn có, các công ty xe điện của Trung Quốc nhanh chóng chủ động về chuỗi cung ứng, đặc biệt là linh kiện phụ tùng và pin. Kết hợp cùng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bài toán đầu ra cho sản phẩm đã được giải quyết, khiến các mẫu xe điện "Made in China" chiếm ưu thế ngay tại quê nhà.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mạng lưới trạm sạc rộng khắp nhằm phục vụ xe điện hoạt động một cách thuận tiện nhất. Tính tới tháng 5/2023, tờ The Nikkei của Nhật Bản ước tính, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc có 6,36 triệu trạm sạc xe điện, chiếm tỷ lệ phân bổ lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ các công ty xe điện ký kết hợp đồng cung cấp phương tiện di chuyển công cộng, khuyến khích các tổ chức, cơ quan chính quyền mua xe công và giảm thuế đối với người mua xe điện.

Làm chủ công nghệ và nguồn cung

Trong năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới 64% xe năng lượng mới trên toàn thế giới, tương đương khoảng 6,7 triệu chiếc. Trong số đó, hơn 5 triệu xe là các loại xe điện mang nhãn hiệu Trung Quốc, biến đất nước tỷ dân trở thành nơi sản xuất nhiều xe điện nhất. Theo báo cáo của Clean Technica, trong tháng 9/2023, có 8/10 mẫu xe năng lượng mới bán chạy nhất là các sản phẩm từ những thương hiệu Trung Quốc, trong khi chỉ có 2 mẫu xe của Tesla lọt vào danh sách này.

Nhờ tự chủ trong sản xuất pin và các linh phụ kiện khác, ô tô điện Trung Quốc có mức giá chỉ bằng một nửa so với xe điện xuất xứ từ Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Hai ông lớn về pin của Trung Quốc là CATL và BYD hiện chiếm hơn một nửa thị phần trong thị trường pin xe điện toàn cầu và là đối tác cung cấp chính cho nhiều hãng xe của Mỹ và châu Âu. Nói cách khác, Trung Quốc nắm giữ tới 90% các điểm then chốt trong chuỗi cung ứng sản xuất xe điện.

Một trong những lợi thế quan trọng khiến Trung Quốc trở thành cường quốc xe điện là nước này kiểm soát nhiều nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin như coban, niken sunfat, lithium hydroxit và than chì. Nhờ đó, pin xe điện do Trung Quốc sản xuất không chỉ có giá thành thấp mà còn có thể cung cấp với số lượng lớn nhờ năng lực sản xuất đã được xây dựng trong nhiều năm.

Tận dụng tốt xu hướng điện khí hóa

Trong những năm gần đây, làn sóng điện hóa đã nở rộ không chỉ ở các nước phát triển mà còn lan rộng ra khắp thế giới. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các dòng xe xăng lai điện (hybrid) hoặc thuần điện bởi những mẫu xe này không chỉ mang nhiều công nghệ hiện đại mà còn tối ưu chi phí sử dụng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự hồi phục sau đại dịch.

Điều này đã thúc đẩy các hãng xe lâu đời vốn nổi tiếng với động cơ đốt trong cũng phải chuyển mình để không bị lạc hậu. Ngày nay, mỗi hãng xe đều tung ra thị trường ít nhất một mẫu xe hybrid hoặc thuần điện nhằm giữ chân khách hàng trẻ.

Tựu trung lại, xe điện Trung Quốc đang dần thống trị thị trường ô tô toàn cầu nhờ giá thành rẻ, thiết kế ưa nhìn và tích hợp nhiều tính năng hiện đại. Mức giá thấp là ưu điểm lớn của xe điện Trung Quốc, đặc biệt khi người dân ở châu Âu đang phải chật vật với chi phí sinh hoạt tăng cao, nhất là giá nhiên liệu. Ngoài ra, năng lực sản xuất dồi dào và việc làm chủ công nghệ cũng giúp xe điện Trung Quốc chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Thay đổi cách tiệp cận thị trường

Đã từng thất bại, một số hãng xe Trung Quốc quay trở lại thị trường Việt Nam và thử sức với những mẫu xe điện đang làm mưa làm gió trên toàn cầu. Không ngần ngại giảm giá và liên tục tung ra các mẫu xe mới, các thương hiệu xe điện Trung Quốc tham vọng "đi tắt, đón đầu" xu hướng điện hóa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giá thành chưa phải là yếu tố tiên quyết để người tiêu dùng Việt lựa chọn một mẫu xe, dù đây là lợi thế của xe điện Trung Quốc. Điều mà người Việt chú trọng là chất lượng và độ bền bỉ, trong khi xe Trung Quốc từng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với khách hàng Việt Nam. Do đó, các hãng xe điện Trung Quốc, dù lớn mạnh hay đa dạng sản phẩm, vẫn cần đảm bảo chất lượng và độ tin cậy để thuyết phục người tiêu dùng Việt.

Trên thế giới, nhiều hãng xe nổi tiếng của Trung Quốc đã và đang rất được đón nhận bởi người tiêu dùng toàn cầu như BYD, SGMW, Geely, GAC, FAW và Great Wall Motors. Những tập đoàn ô tô trăm năm tuổi ở Mỹ và châu Âu đang ngày càng "đuối sức" trước sự trỗi dậy của các tập đoàn ô tô Trung Quốc.

Theo hoinhap.vanhoavaphattrien.vn - Link gốc

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe