5 "bóng hồng" góp phần thay đổi nền công nghiệp xe hơi thế giới

16:13 | 08/03/2021 -
Theo dõi Auto5 trên
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hãy cùng điểm qua "bóng hồng" đã góp phần làm thay đổi và tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp ô tô mà chúng ta biết ngày nay.

Trước đây, khi nói đến ngành công nghiệp ô tô, người ta thường nghĩ rằng đây là "lãnh địa" của những người đàn ông. Theo kết quả khảo sát Catalyst Quick Take: Women in the Automotive Industry tiến hành vào năm 2016, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động của ngành ô tô tại Mỹ. Trong khi đó, sếp nữ trong các công ty ô tô chỉ chiếm khoảng 16%.

Thế nhưng, trên thực tế, có những người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang và sáng tạo lại đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp này. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi xin gửi lời tri ân tới 5 "bóng hồng" đã góp phần làm thay đổi và tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp ô tô mà chúng ta biết ngày nay.

Bertha Benz

Người xưa có câu: "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ". Bà Bertha Benz đã chứng minh câu nói này là hoàn toàn đúng.

Bertha Benz là vợ của Karl Benz - người được coi là "cha đẻ" của những chiếc ô tô kiêm nhà sáng lập hãng xe Mercedes-Benz. Bà Bertha tin tưởng chồng đến mức dồn hết vốn liếng của mình vào công ty của ông Benz.

Vào năm 1886, ông Benz đã phát minh ra chiếc ô tô đầu tiên, mang tên Motor Car. Ban đầu, người ta vẫn còn hoài nghi và chưa sẵn sàng mua thứ gọi là ô tô này. Họ quay sang chỉ trích ông Benz và phát minh của ông.

Thấy vậy, bà Bertha vốn có tài kinh doanh tốt hơn chồng đã cho mọi người thấy những gì mà chiếc Motor Car có thể làm. Cùng với 2 cậu con trai ở độ tuổi thiếu niên, bà Bertha đã lái chiếc Motor Car trên quãng đường dài 106 km, từ thành phố Mannheim đến Pforzheim của nước Đức, mà không cần đến chồng.

Có thể nói, bà Bertha là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới lái ô tô đường dài. Cũng chính nhờ chuyến đi này, bà Bertha còn phát hiện ra rằng má phanh sẽ giúp phanh không bị nhanh hỏng khi chạy đường dài.

Margaret A. Wilcox

Đối với những người dùng ô tô ở xứ lạnh, hệ thống sưởi ấm trong xe là trang bị không thể thiếu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đứng đằng sau hệ thống sưởi ấm trong xe hơi lại là một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy chính là bà Margaret A. Wilcox.

Vào cuối thế kỷ 19, bà Wilcox là một trong ít những phụ nữ làm nghề kỹ sư cơ khí. Chính bà đã tìm ra cách đưa trực tiếp hơi nóng từ động cơ vào bên trong nội thất để làm ấm chân của hành khách. Phát minh của bà Wilcox đã được đón nhận nhiệt tình nhưng cũng gây lo ngại về an toàn vì không thể điều chỉnh được nhiệt độ của hơi nóng.

Đến năm 1893, bà Wilcox đã nhận bằng sáng chế cho hệ thống sưởi bên trong ô tô. Ngày nay, thiết kế do bà Wilcox tạo ra vẫn là nền tảng cho hệ thống sưởi bên trong ô tô đời mới.

Mary Anderson

Cần gạt nước mưa là một trang bị nghe có vẻ nhỏ bé nhưng thực tế lại rất cần thiết với một chiếc ô tô. Mỗi lần khi trời mưa và sử dụng đến cần gạt nước, chúng ta có lẽ nên thầm cảm ơn bà Mary Anderson - "mẹ đẻ" của trang bị này.

Là người kinh doanh bất động sản tại hạt Greene, bang Alabama, Mỹ, bà Anderson trên thực tế không có liên quan gì đến ngành công nghiệp ô tô. Thế nhưng, khi chứng kiến cảnh người lái tàu điện tại thành phố New York phải liên tục nhoài người ra ngoài để lau kính lái trong cơn mưa vào một ngày buốt giá năm 1902, bà Anderson đã nảy ra ý tưởng chế tạo cần gạt nước. Bà Anderson biết rằng cần phải có một giải pháp tốt hơn cho tình huống này.

Khi trở về nhà tại, bà Anderson đã làm việc không biết mệt mỏi để phác họa ra cần gạt nước mưa. Sau khi nhiều lần thử nghiệm, bà Anderson cuối cùng cũng đã phát minh ra một loại cần gạt nước chỉnh bằng tay.

Đến năm 1903, bà Anderson đã được cấp bằng sáng chế cho cần gạt nước chỉnh tay của mình. Tuy nhiên, trong suốt 17 năm sau đó, vẫn chẳng có công ty nào ngỏ ý muốn thương mại hóa phát minh của bà Anderson vì không có khách mua. Cho đến khi bằng sáng chế của bà Anderson hết hạn, cần gạt nước kính chắn gió mới bắt đầu trở nên phổ biến trong ngành ô tô thế giới.

Katharine Blodgett

Lại thêm một người phụ nữ nữa mà chúng ta nên thầm phải cảm ơn mỗi khi leo lên ô tô, đó là Katharine Blodgett. Là một nhà vật lý học kiêm nhà hóa học tại công ty General Electric, bà Blodgett đã tìm được cách tạo ra bề mặt kính "vô hình". Theo cách nói của ngày nay thì đó chính là kính cửa sổ chống chói. Ngoài ra, bà Blodgett cũng là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng giáo sư vật lý tại trường Đại học Cambridge.

Florence Lawrence

Nói đến Florence Lawrence, những người yêu điện ảnh sẽ nghĩ ngay tới một nữ diễn viên nổi tiếng, từng góp mặt trong gần 250 bộ phim. Thế nhưng, ít ai biết rằng, bà Lawrence không chỉ là minh tinh màn bạc mà còn là một nhà phát minh có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đặc biệt hơn, nữ diễn viên này còn là con gái của bà Charlotte Bridgewood - người phụ nữ phát minh ra cần gạt nước tự động cho ô tô kể trên.

Chính bà Lawrence là người đã phát minh ra hệ thống báo rẽ và báo phanh cho ô tô đầu tiên trên thế giới vào năm 1914. Tất nhiên, vào thời điểm đó, hệ thống báo rẽ và báo phanh này chỉ được chỉnh cơ.

Hệ thống báo rẽ của bà Lawrence cũng khá đơn giản. Khi bà nhấn nút trong xe, một lá cờ trên cản sau của xe sẽ được nâng lên hoặc hạ xuống để báo cho tài xế khác biết hướng mình chuẩn bị rẽ. Trong khi đó, với hệ thống báo phanh, khi bà Lawrence nhấn phanh, tấm bảng ghi dòng chữ "Dừng" sẽ lật ra ở cản sau.

Đáng tiếc thay, vì không đăng ký bản quyền sáng chế nên bà Lawrence cũng chẳng được lợi lộc gì từ những phát minh của mình. Mãi đến năm 1939, đèn xi-nhan chỉnh điện mới được trang bị trên ô tô, tiên phong là hãng Buick.

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Link gốc

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe