Lãnh đạo VEAM bị bắt, hàng ngàn xe tải "dãi nắng, dầm mưa" cả chục năm

09:28 | 13/06/2024 - Quang Anh
Theo dõi Auto5 trên
Ba năm trở lại đây, lần lượt các lãnh đạo của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đều vướng vòng lao lý vì các sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này.

Tổng Giám đốc VEAM  - Phạn Phạm Hà bị bắt

Ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM
Ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM

Ngày 12/6, thông tin ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), bị bắt đã được báo chí đăng tải từ đầu giờ sáng, trước khi thị trường chứng khoán mở cửa.

Sau phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu của VEAM (mã VEA, sàn UpCOM) giảm từ 47.500 đồng xuống còn 46.200 đồng (-2,53%).

Tổng giá trị vốn hóa của VEAM giảm từ 62.943 tỷ đồng xuống còn 61.390 tỷ đồng, "bốc hơi" 1.553 tỷ đồng sau khi kết phiên giao dịch 12/6.

Trong suốt phiên giao dịch, có thời điểm cổ phiếu VEA xuống mức 44.600 đồng/CP, khiến vốn hóa của VEAM giảm gần 2.000 tỷ đồng, nhưng cuối phiên giá cổ phiếu đã nhích lên, đóng cửa tại mức 46.200 đồng/CP.

VEAM, thông qua các công ty con, nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam, 20% tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam, theo báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM công bố ngày 31/1/2024.

Hàng năm, VEAM với tư cách cổ đông lớn đại diện phần vốn của Nhà nước, được chia lợi nhuận từ các liên doanh theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu.

Cụ thể, năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.

Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này trong năm ngoái là 6.807 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).

Ba năm qua, hoạt động sản xuất của VEAM mắc kẹt ở một vài dự án, khiến báo cáo tài chính thường niên không được chấp thuận toàn phần, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ ba năm liên tiếp.

Đây là nguyên nhân khiến từ ngày 11/4/2023 cổ phiếu của VEAM (mã VEA) bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo.

Điều này tạo nên nghịch lý khi một doanh nghiệp Nhà nước niêm yết có mức vốn hóa lớn (hơn 2 tỷ USD) và lợi nhuận hàng năm rất cao (từ 6.000 - 7.000 tỷ đồng) nhưng cổ phiếu lại nằm trong diện cảnh báo.

Xót xa tài sản nghìn tỷ dãi nắng, dầm mưa

Không chỉ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý, nhiều năm gần đây, nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hóa cũng gặp tình trạng tồn kho hàng nghìn chiếc xe trong cảnh "phơi nắng, dầm mưa", xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2004, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Motor) đã có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hóa. Thời điểm đó, lãnh đạo VEAM Motor đã mua lại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô cũ của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc để chuyển về Việt Nam, sau khi Samsung lâm vào khủng hoảng tài chính năm 1997.

Khi VEAM trúng thầu mua nhà máy sản xuất ô tô tải của Samsung, nhà máy đã dừng hoạt động từ năm 2000. Đến khi hoàn tất quá trình bốc dỡ, di chuyển về Việt Nam và đi vào hoạt động, sản xuất chiếc xe đầu tiên (2009-2010), dây chuyền của nhà máy đã không hoạt động gần 10 năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo VEAM khi đó khẳng định, nhà máy của Samsung tại Hàn Quốc được đầu tư bài bản, có chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Nissan (Nhật Bản), và từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu.

Cụ thể, nhà máy này có trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) với các phòng thí nghiệm ô tô, động cơ ô tô, sức bền vật liệu, và các dây chuyền sản xuất chính như sơn tĩnh điện, sơn phủ; hàn cabin; lắp ráp động cơ xe tải nhẹ và xe tải nặng; lắp ráp hộp số; lắp nội thất xe; dây chuyền dập chi tiết thân xe... tất cả đều được đầu tư đồng bộ và hiện đại, với thiết bị chế tạo từ những năm 1995-1998 tại Nhật, các nước G7 và Hàn Quốc.

Tháng 7/2004, VEAM tiến hành lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Theo kế hoạch, VEAM sẽ vận chuyển nhà máy ô tô từ Hàn Quốc về Việt Nam lắp ráp và cho sản xuất sau 18 tháng. Mục tiêu ban đầu của nhà máy là sản xuất các dòng xe tải nhẹ (dưới 1 tấn) với công suất 25.000 xe/năm, dựa trên công nghệ của Samsung; xe tải trung và nặng (dưới 10 tấn) 5.000 xe/năm, dựa trên công nghệ của Daewoo; xe khách 3.000 xe/năm, dựa trên công nghệ của Yutong (Trung Quốc). VEAM đặt mục tiêu nội địa hóa đạt 30%, giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước.

Việc chuyển dây chuyền từ Hàn Quốc về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, phải đến năm 2008 (sau gần 4 năm triển khai dự án) quá trình này mới hoàn tất. Năm 2009 - 2010, nhà máy của VEAM hoàn thiện và bắt đầu sản xuất những chiếc xe đầu tiên.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và lắp ráp không đạt mục tiêu đề ra, VEAM chỉ đạt sản lượng hơn 3.000 xe/năm. Sản lượng thấp và không đạt hiệu quả tài chính nên nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hóa luôn trong tình trạng thua lỗ. Hàng năm công ty mẹ của VEAM vẫn phải rót tiền để duy trì hoạt động.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng.

Hàng tồn kho vào thời điểm 31/12/2018 là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ năm 2017 trở về trước là 2.355 chiếc (tiêu chuẩn khí thải Euro2) và xe sản xuất từ năm 2015 trở về trước là 219 chiếc. Có tới 2.221 xe tồn từ năm 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.

Theo báo cáo, thực chất số xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp, không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ, dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm.

Từ năm 2021 đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều lần đấu giá và liên tục giảm giá khởi điểm, hàng nghìn chiếc ô tô VEAM vẫn tồn kho trong sân bãi của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa.

Theo hoinhap.vanhoavaphattrien.vn - Link gốc

Từ khóa: xe tải, VEAM

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe