Tiêu chuẩn an toàn ASEAN NCAP là gì?

23:05 | 02/12/2021 - Nguyễn Duy
Theo dõi Auto5 trên
Để chứng minh độ an toàn của xe, các thương hiệu xe thường quảng cáo với cụm “tiêu chuẩn an toàn 5 sao ASEAN NCAP”. Vậy chứng nhận ASEAN NCAP là gì? Có thực sự đánh giá được mức độ an toàn hay chất lượng của một chiếc xe hay không?

Khác với xe máy, ô tô là phương tiện có giá trị lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định “xuống tiền”. Tâm lý người mua, ai cũng muốn chọn cho mình một chiếc xe đầy đủ tiêu chí từ ngoại hình, trang bị tiện nghi, khả năng vận hành, giá cả phải chăng.

Đặc biệt, vấn đề mà nhiều người quan tâm hơn cả là khả năng chống chịu và mức độ an toàn của chiếc xe, để bảo vệ được tính mạng bản thân cũng như người thân trong trường hợp tai nạn không may xảy ra.

Hiểu được tâm lý đó, các hãng xe trước khi bán sản phẩm của mình ra thị trường sẽ thường gửi đến các trung tâm đánh giá an toàn uy tín thế giới để kiểm định. Và đây cũng là cơ sở để việc quảng bá của thương hiệu trở nên thuận lợi hơn.

Quá trình thử nghiệm độ an toàn NCAP đối với dòng xe VinFast Lux SA2.0
Quá trình thử nghiệm độ an toàn NCAP đối với dòng xe VinFast Lux SA2.0

Và một trong những trung tâm đánh giá uy tín nhất khu vực Đông Nam Á là ASEAN NCAP. Đây cũng đã trở thành một thước đo tiêu chuẩn để đánh giá về mức độ an toàn cho các dòng xe đến từ nhiều thương hiệu khác nhau.

Vậy ASEAN NCAP là gì? Và cách họ đánh giá chất lượng của một chiếc xe ra sao?

ASEAN NCAP là gì?

ASEAN NCAP là viết tắt của cụm từ Asean New Car Assessment Program, là một chương trình đánh giá tính năng an toàn xe ô tô của Đông Nam Á, được thành lập bởi Viện Nghiên cứu An toàn Đường bộ Malaysia (MIROS) và Chương trình đánh giá xe mới toàn cầu (Global NCAP).

Hai tổ chức này đã ký kết để hình thành nên nội dung đánh giá tiêu chuẩn an toàn ASEAN NCAP trong Đại hội đồng thường niên của Quỹ FIA tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 7/12/2011.

ASEAN NCAP là chương trình đánh giá tiêu chuẩn an toàn xe ô tô của khu vực Đông Nam Á
ASEAN NCAP là chương trình đánh giá tiêu chuẩn an toàn xe ô tô của khu vực Đông Nam Á

Việc thành lập ASEAN NCAP cũng là cột mốc mới về an toàn phương tiện giao thông trong khu vực Đông Nam Á, cũng nhằm hưởng ứng Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ của Liên hợp quốc.

Chứng chỉ đánh giá của ASEAN NCAP gồm những hạng mục nào?

Thông thường sẽ có 2 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn của một chiếc xe. Đó là Bảo vệ An toàn cho Người lớn (AOP - Adult Occuppant Protection) và Bảo vệ An toàn cho Trẻ em (COP - Child Occuppant Protection).

Bảo Vệ An Toàn Cho Người Lớn (AOP - Adult Occuppant Protection) 

Ở hạng mục đánh giá AOP này, các hình nhân sẽ được gắn các cảm biến và đặt ngồi các vị trí trong xe.

Kết quả sẽ được lấy từ các dữ liệu thu được sau khi xe xảy ra va chạm và phân loại theo từng vùng cơ thể vị ảnh hưởng. Sau đó, dự đoán về các chấn thương người ngồi trong có thể gặp phải trong thực tế.

ASEAN NCAP sẽ có thang điểm đánh giá “sao” cho từng mẫu xe. Và một mẫu xe đạt điểm tối đa là 5 sao chỉ khi được trang bị hệ thống ổn định thân xe điện tử ESC (Electronic Stability Control) và hệ thống nhắc nhở thắt dây đai an toàn SBR cho hành khách phía trước (Seatbelt Reminder).

Cách đánh giá xếp hạng 5 sao ở hạng mục AOP
Cách đánh giá xếp hạng 5 sao ở hạng mục AOP

Bảo vệ An toàn cho Trẻ em (COP - Child Occuppant Protection)

Còn ở hạng mục đánh giá an toàn trẻ em (COP), kết quả cũng được thu lại từ các dữ liệu cảm biến hình nhân ở các vị trí trên xe khi va chạm. Nhưng sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí khác AOP.

Các tiêu chí đánh giá cho hạng mục này bao gồm  Hệ Thống Giữ Chặt Ghế Trẻ em (CRS - Child Restraint System), mức độ tương thích của các xe thử nghiệm với CRS (Đánh giá dựa trên xe) và mức độ chấn thương ghi nhận từ thử nghiệm va chạm trực diện lệch bên phía trước (Thử nghiệm động lực học). 

Kết quả cuối cùng thu được sẽ được tính theo đơn vị phần trăm và cấp độ ngôi sao được thể hiện như bảng dưới đây:

Cách đánh giá xếp hạng 5 sao ở hạng mục COP
Cách đánh giá xếp hạng 5 sao ở hạng mục COP

Độ “khắc nghiệt” của bài đánh giá an toàn ASEAN NCAP

Để đánh giá đúng các tiêu chí trên, ASEAN NCAP đã phải cho các mẫu xe trải qua những bài kiểm tra tương đối “khắc nghiệt”.

Để đưa ra được kết quả cuối cùng, tổ chức sẽ phải thực hiện nhiều đánh giá khác nhau để phân tích chính xác tình hình sức khoẻ và kỹ thuật trong trường hợp va chạm xấu nhất.

Va chạm với vật thể di động

Trong bài thử nghiệm này, chiếc xe mẫu xe được đẩy đi với tốc độ 50 km/h và cho va chạm với thanh chắn có thể biến dạng có trọng lượng khoảng 1,4 tấn, hoặc cũng có thể là một chiếc xe khác đang di chuyển cùng tốc độ ở hướng ngược lại.

Va chạm với vật thể cứng

Độ “khắc nghiệt” đã được tăng lên hơn khi chiếc xe thử nghiệm di chuyển với vận tốc khoảng 64 km/h, lao trực diện vào một hàng rào cứng. Trong xe sẽ có một hình nhân phụ nữ ngồi vị trí lái và trẻ nhỏ ở ghế sau.

Mục đích của bài này là để kiểm tra hệ thống an toàn bị động ô tô như túi khí, cảm biến túi khí hay dây đai an toàn.

Va chạm với vật thể di động theo phương ngang

Giống như bài đầu tiên, một thanh chắn có thể biến dạng di chuyển với tốc độ 50 km/h nhưng lao vào bên hông xe theo một góc vuông.

Thử nghiệm này để đánh giá an toàn giống như trong thực tế với việc xe bị va chạm ở hai bên thân xe bởi một xe khác.

Va chạm với cột đứng

Xe thử nghiệm sẽ được đẩy theo phương ngang với vận tốc khoảng 29 km/h va vào một cột cứng, tiết diện nhỏ tạo thành một góc vuông.

Việc này mô phỏng một chiếc xe va chạm ngang vào các vật thể thực tế như cây cối bên đường hoặc cột điện.

Tác động của hệ thống an toàn vào hành khách bên trong

Chiếc xe mẫu xe được đặt cố định nhưng bất ngờ được đẩy đi và phanh gấp để xác định chấn động gây ra cho hành khách ngồi trong.

Nếu xe được trang bị túi khí trung tâm và hai bên rèm cửa thì người lái và hành khách phía trước sẽ giảm tối đa tác động lên người.

Thử nghiệm chấn thương cổ: ghế xe được đẩy về phía trước nhanh chóng ở cả hai giải tốc độ 16 và 24 km/h để kiểm tra ghế và khả năng bảo vệ đầu, cổ trong một tác động từ va chạm phía sau.

Va chạm tác động đến người bên ngoài (người đi bộ hoặc xe đạp)

Bài thử nghiệm này sẽ xem xét tác động của xe lên người bên ngoài theo từng vị trí gồm đầu, chân, đùi, ống chân, người đi bộ, đi xe đạp... khi xảy ra va chạm.

Nhiều mẫu xe ở các nước Châu Âu còn được trang bị thêm túi khí bên ngoài cho người đi bộ làm bằng các vật liệu giảm thiểu tối đa tổn thương cho người khi va chạm.

Sau khi kiểm tra các bài thử nghiệm theo đúng quy trình, các chuyên gia sẽ xem xét tác động tới hành khách, mức độ thiệt hại của người và xe sau đó quy đổi ra thành điểm. Từ điểm số sẽ xác định xe có vượt qua bài thử nghiệm hay không và xếp loại theo sao.

Chứng chỉ đánh giá an toàn ASEAN NCAP có ý nghĩa gì tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, cơ quan duy nhất cấp chứng nhận về mặt kỹ thuật, an toàn, cho phép phương tiện được quyền lưu thông trên đường là Cục Đăng Kiểm.

Nói cách khác, mọi phương tiện bán tại Việt Nam (bao gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu) đều phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn, kỹ thuật, khí thải do Cục Đăng Kiểm thực hiện, dưới các văn bản do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

VinFast Fadil khi thử nghiệm tại trung tâm ASEAN NCAP tại Hàn Quốc.
VinFast Fadil khi thử nghiệm tại trung tâm ASEAN NCAP tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, chứng chỉ về tiêu chuẩn ASEAN NCAP thường chỉ mang tính tham khảo nhiều hơn đối với người dùng Việt, không bắt buộc phải có trong quy định của Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới. 

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn - Link gốc

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe