Quy định và mức phạt hành chính lỗi đi ngược chiều

08:58 | 31/07/2022 - Chu Văn Cường
Theo dõi Auto5 trên
Đi ngược chiều phạt bao nhiêu? Đây là vấn đề được nhiều người tham gia giao thông quan tâm, đặc biệt là khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2020.

Khi tham gia giao thông, việc bắt gặp tình trạng các phương tiện xe cơ giới điều khiển đi ngược chiều và bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện xử lý phạt hành chính. Nếu bạn chưa nắm rõ luật, và tự mình đặt ra câu hỏi lỗi đi ngược chiều phạt bao nhiêu tiền? Có bị tước GPLX hay tạm giữ xe không?

Đi ngược chiều được hiểu như thế nào?

Đi ngược chiều là hành vi đi ngược lại với hướng di chuyển cho phép của đường một chiều hoặc đi ngược chiều trên đường có đặt biển báo cấm đi ngược chiều.

Hành vi đi ngược chiều
Hành vi đi ngược chiều

Đi ngược chiều là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Không chỉ gây nguy hiểm, cản trở các phương tiện giao thông trên đường mà còn là hành vi thiếu văn hóa giao thông.

>> Xem thêm: 8 loại biển báo giao thông mà mọi tài xế cần biết

Những nguy hiểm tiềm ẩn khi điều khiển xe chạy ngược chiều

Lỗi đi ngược chiều đã bị tăng nặng mức phạt lên gấp nhiều lần so với trước đây cho thấy các nhà chức trách đã đánh giá rất cao sự nguy hiểm của hành vi này.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi chạy ngược chiều
Những nguy cơ tiềm ẩn khi chạy ngược chiều

Để rút ngắn một đoạn đường hay tiết kiệm chút thời gian mà những người đi ngược chiều trên đường đã cố tình đặt mình và các phương tiện giao thông khác vào trạng thái nguy hiểm, đặc biệt trên các tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc và được lưu thông với tốc độ cao.

Khi có phương tiện khác bất ngờ xuất hiện trên đường một chiều, lái xe rất khó xử lý và phản ứng với tình huống bất ngờ xảy ra, dễ dàng dẫn đến tai nạn giao thông.

Hiện nay, biển cấm đi ngược chiều là biển báo giao thông báo hiệu đường cấm tất cả các loại xe đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Các nhận biết đường một chiều và biển báo cấm đi ngược chiều

Cách nhận biết đường 1 chiều

Đường một chiều là đường chỉ cho các phương tiện lưu thông, di chuyển theo một chiều nhất định. Điều này áp dụng cho tất cả xe đạp, xe máy và xe ô tô... (trừ xe được ưu tiên).

Nhận biết đường một chiều qua biển báo và các phương tiện xung quanh
Nhận biết đường một chiều qua biển báo và các phương tiện xung quanh

Cách nhận biết đường một chiều dễ dàng:

  • Quan sát xung quanh theo hướng bạn đang di chuyển xem rằng có xe đi cùng chiều với mình không.
  • Hãy quan sát tìm biển báo đường một chiều được đặt sau hoặc trước nơi đường giao nhau.
  • Hỏi người dân hoặc người đang tham gia giao thông xung quanh.

Lưu ý: Khi phát hiện đi vào đường ngược chiều và quay đầu xe, bạn vẫn sẽ bị camera an ninh ghi lại và thông báo phạt nguội. Hãy kiểm tra phạt nguội online thường xuyên để kịp thời xử lý lỗi vi phạm nhé!

Cách nhận biết biển báo cấm đi ngược chiều

Mang những nét đặc trưng riêng của nhóm biển báo cấm, biển báo cấm đi ngược chiều cũng có dạng hình tròn với hai màu sắc đỏ và trắng.

Biển báo cấm đi ngược chiều
Biển báo cấm đi ngược chiều

"Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển báo cấm đi ngược chiều được ký hiệu là P.102. Biển báo này có hình tròn, nền đỏ và một gạch ngang to màu trắng ở giữa."

Lỗi đi ngược chiều phạt bao nhiêu tiền?

Theo quy định hiện hành, người tham gia giao thông vi phạm lỗi đi ngược chiều sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Lỗi đi ngược chiều sẽ bị xử phạt theo quy định
Lỗi đi ngược chiều sẽ bị xử phạt theo quy định

Theo đó, lỗi đi ngược chiều được xác định khi thực hiện một trong các hành vi sau:

- Đi ngược chiều của đường một chiều;

- Đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

Người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi trên sẽ bị xử phạt theo các mức sau:

Mức xử phạt lỗi đi ngược chiều với ô tô

Theo điểm c Khoản 5 và điểm c Khoản 11 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt từ 3-5 triệu đồng với trường hợp đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng theo quy định điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100.
  • Phạt 10-12 triệu đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
  • Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.
Xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc
Xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc

Mức xử phạt lỗi đi ngược chiều với xe máy

Theo khoản 5 Điều 6 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dung giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
  • Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Xe máy đi ngược chiều trên cao tốc
Xe máy đi ngược chiều trên cao tốc

Mức phạt lỗi đi ngược chiều với máy kéo, xe chuyên dùng

Theo điểm c khoản 4, điểm a khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng.
  • Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2-4 tháng.
  • Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 5-7 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Mức phạt lỗi đi ngược chiều với xe đạp, xe đạp điện và xe thô sơ khác

Theo điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

Dựa vào các mức khung hình phạt này, bạn đã có thể tự giải đáp được thắc mắc ban đầu: "Đi ngược chiều phạt bao nhiêu?".

Đi ngược chiều có bị tước GPLX không?

Bên cạnh việc bị phạt tiền, hành vi đi ngược chiều đối với ô tô, xe máy, máy kéo còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) theo các mức chúng tôi đã đưa ra phía trên.

Không phải tất cả hành vi đi ngược chiều đều bị tước bằng lái xe, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét mức độ vi phạm và hậu quả gây ra bởi hành vi này mà áp dụng tước bằng lái xe với thời hạn tương ứng.

Đi ngược chiều có bị tạm giữ xe không?

  • Đối với máy kéo: có thể bị tạm giữ xe để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm
  • Đối với ô tô, xe máy: bị tạm giữ xe trong trường hợp: để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt (nếu chỉ bị phạt tiền) và khi tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được các giấy tờ cần thiết (GPLX, đăng ký xe máy, bảo hiểm...)
  • Thời hạn tạm giữ: 07 ngày, có thể kéo dài tối đa 30 ngày.

Khi tham gia giao thông, tốt nhất là bạn nên tuân thủ theo quy định và biển báo cấm đi ngược chiều. Việc vi phạm quy định ngoài bị xử phạt hành chính, thu giữ GPLX, tạm giữ xe thì hành vi này cũng rất nguy hiểm đối với bạn và những người cùng tham gia giao thông. Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp bạn nắm chắc được quy định của pháp luật về lỗi đi ngược chiều phạt bao nhiêu?

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Link gốc

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe