Nhận diện các loại đèn báo lỗi trên ô tô mà tài xế mới cần biết

13:57 | 27/01/2021 -
Theo dõi Auto5 trên
Trên mỗi mẫu xe ô tô lại có những loại đèn báo lỗi khác nhau. Sự phát triển của công nghệ khiến số lượng đèn báo lỗi trên ô tô đời mới ngày càng nhiều và không phải tài xế nào cũng hiểu hết ý nghĩa của chúng

Ký hiệu đèn báo lỗi trên ô tô

Theo tổng hợp của Britannia Rescue - công ty cứu hộ giao thông lớn thứ 4 tại nước Anh, có 64 ký hiệu đèn cảnh báo lỗi phổ biến nhất trên các mẫu ô tô. Dưới đây là 64 ký hiệu và ý nghĩa của các đèn báo lỗi trên ô tô phổ biến này.

Trong đó:

- Nhóm ký hiệu màu đỏ là đèn cảnh báo nguy hiểm, chủ xe cần kiểm tra lại những bộ phận, chi tiết liên quan đến loại đèn này. Ví dụ, khi thấy đèn cảnh báo phanh tay, cảnh báo nhiệt độ hay cảnh báo túi khí bật sáng, bạn nên mang xe đến trung tâm dịch vụ sửa chữa để yên tâm hơn.

- Nhóm ký hiệu màu vàng có nghĩa là cảnh báo hư hỏng, cần sửa chữa hoặc nhắc nhở người dùng cần kiểm tra lại, tắt/bật thiết bị.

- Nhóm ký hiệu đèn màu xanh hoặc trắng được hiểu là trạng thái đang hoạt động của xe, đóng vai trò báo hiệu chứ không phải cảnh báo, người điều khiển vẫn có thể yên tâm lái tiếp nếu loại đèn màu này sáng lên.

Các loại đèn báo lỗi thường gặp nhất trên ô tô

Đèn cảnh báo nhiệt độ

Nguyên nhân khiến đèn này báo sáng là do nhiệt độ của động cơ đang cao hơn mức cho phép, hết nước làm mát, hệ thống nước làm mát có vấn đề (bơm nước không hoạt động, nước làm mát bị rò rỉ,…), hay bộ ổn nhiệt/quạt thông gió đang bật liên tục.

Khi gặp trường hợp này, bạn dừng xe lại và kiểm tra nước làm mát, nếu thấy két nước cạn thì thêm nước vào (thao tác sau khi động cơ xe đã nguội hẳn). Tắt máy khoảng 30 phút cho động cơ nguội rồi mở máy kiểm tra lại đèn báo. Nếu không có nước làm mát thì bạn có thể lấy nước lọc thay thế nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nếu đèn báo vẫn sáng, bạn hãy gọi cứu hộ để mang xe đi kiểm tra.

Đèn cảnh báo nhiệt độ sáng có nghĩa là động cơ đang nóng quá mức.

Đèn cảnh báo phanh tay

Đèn cảnh báo phanh tay sáng là do người lái chưa hạ phanh tay trước khi di chuyển. Nếu đã hạ hết phanh tay mà đèn vẫn sáng thì có thể do công tắc trên phanh bị cài đặt sai hoặc áp suất thuỷ lực trong hệ thống bị mất, mức dầu phanh bị giảm vì rò rỉ.

Trường hợp cài sai công tắc thì chỉ cần cài đặt lại là được. Còn nếu do áp suất thủy lực, dầu phanh bị rò rỉ thì bạn nên mang xe tới garage để kiểm tra lỗi và sửa chữa.

Phanh tay chưa hạ trước khi di chuyển sẽ khiến đèn báo bật sáng.

Đèn báo áp suất dầu bôi trơn

Áp suất dầu trong động cơ xuống quá thấp, bơm dầu bị tắc hoặc hỏng, dầu nhớt đang dùng không đúng hoặc xe ô tô quá lâu chưa thay dầu định kỳ cũng là những nguyên nhân gây ra hiện tượng đèn báo áp suất sáng lên.

Thiếu dầu sẽ khiến động cơ bị bó cứng, các chi tiết không được bôi trơn, dẫn đến việc hỏng hóc động cơ, tiềm ẩn nguy hiểm khi di chuyển. Do đó, nếu thấy đèn báo áp suất dầu sáng, bạn cần dừng xe lại và kiểm tra. Nếu cần thì thêm dầu bôi trơn để tiếp tục di chuyển. Tuy nhiên, bạn cũng phải biết cách châm dầu đúng kỹ thuật (có thể đọc sách hướng dẫn tham khảo).

Đèn báo áp suất dầu bôi trơn bật sáng là một tín hiệu khẩn cấp.

Đèn cảnh báo lỗi ắc quy

Đèn báo ắc quy sáng vì bình ắc quy hết hoặc hỏng. Chúng thường báo sáng khi động cơ đang tắt, còn nếu đèn báo cả khi xe đang chạy thì đó là lỗi của phần máy.

Để xử lý, bạn cần nhờ thợ kiểm tra lại. Xe đã sử dụng nhiều năm mà chưa thay ắc quy thì bạn nên thay bình ắc quy mới.

Đèn cảnh báo lỗi túi khí

Nếu hệ thống túi khí xảy ra lỗi thì bộ điều khiển sẽ tắt chức năng, túi khí sẽ không hoạt động. Đèn cảnh báo túi khí sáng có thể do túi khí bị hỏng, pin túi khí hết điện, lỗi ở chốt đai an toàn hoặc bộ phận cảm biến.

Bạn vẫn có thể tiếp tục di chuyển được nếu có tín hiệu đèn này nhưng để đảm bảo an toàn thì hãy mang xe đi kiểm tra tại garage.

Đèn báo lỗi động cơ (đèn check engine)

Đèn này báo lỗi xảy ra ở một số bộ phận trong động cơ. Chức năng báo lỗi động cơ được tùy chỉnh theo từng mẫu xe, hãng sản xuất.

Trong trường hợp này, mang xe đi kiểm tra tại trung tâm dịch vụ là tốt nhất, các chuyên viên kỹ thuật sẽ tìm ra lỗi cụ thể và sửa chữa xe cho bạn.

Đèn báo lỗi trên từng hãng xe sẽ có sự điều chỉnh khác nhau. Những chiếc xe sản xuất tại nước ngoài và nhập khẩu về Việt Nam cũng sẽ có điểm khác với ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nhìn chung, các đèn báo lỗi trên ô tô nhìn chung sẽ nằm trong 64 ký hiệu trên, việc nắm rõ ký hiệu đèn báo trên phương tiện của mình sẽ giúp bạn chủ động hơn trong quá trình sử dụng ô tô.

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Link gốc

Từ khóa:

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe