Vụ nữ tài xế Mercedes gây tai nạn liên hoàn tại Thủ Đức: Phanh khẩn cấp không có tác dụng hay không được trang bị?

09:24 | 19/03/2025 - Mai Hương
Theo dõi Auto5 trên
Chiều 16-3, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức khi một nữ tài xế điều khiển chiếc xe sang Mercedes tông vào 10 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ.

Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý và gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội, đặc biệt về tính hiệu quả của hệ thống an toàn chủ động trên xe.

Nhiều người từ đặt câu hỏi vì sao một chiếc xe sang như Mercedes vốn được trang bị hệ thống "an toàn chủ động" giúp ngăn ngừa tai nạn trong tình huống khẩn cấp lại không hoạt động trong trường hợp này.

Có ý kiến cho rằng, hệ thống này có thể đã bị cắt giảm hoặc tắt khi xe được nhập khẩu vào Việt Nam. Kỹ sư ô tô Vương Quang Bình, quản đốc một đại lý ô tô tại TP HCM cho biết nhiều mẫu xe giá trên 1 tỷ đồng ở Việt Nam đã được trang bị gói "an toàn phanh khẩn cấp" khi có cảnh báo va chạm. Tuy nhiên, việc một chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng lại không có tính năng này là điều đáng tiếc.

Theo kỹ sư Bình, ngay cả khi xe được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp, việc hệ thống này có hoạt động hay không phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng.

Một số mẫu xe cho phép tài xế tắt tính năng này hoặc hệ thống có thể không kích hoạt do các yếu tố như chế độ cài đặt, vận tốc xe hay khả năng phát hiện chướng ngại vật của cảm biến.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết hầu hết các dòng xe hiện đại đều được trang bị hệ thống an toàn này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do mật độ phương tiện dày đặc, nhiều tài xế có thể chọn tắt tính năng này để tránh phanh gấp không mong muốn.

Ông Đồng nhận định: "Các mẫu xe từ đời 2019 trở đi đều có hệ thống phanh khẩn cấp nhưng việc sử dụng hay không là do người lái quyết định".

Trên thực tế, chiếc xe gây tai nạn chưa được trang bị tính năng này
Trên thực tế, chiếc xe gây tai nạn chưa được trang bị tính năng này

Tuy nhiên, theo thông tin từ Mercedes-Benz Việt Nam, mẫu xe gặp nạn là dòng sedan S450 đời 2019, khi phân phối tại Việt Nam "chưa được trang bị tính năng phanh khẩn cấp khi có cảnh báo va chạm".

0303
0404

Cũng theo người này, chiếc S-Class này chỉ có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp (BAS), tức là hệ thống chỉ hỗ trợ tăng lực phanh khi người lái đạp phanh chưa đủ mạnh. 

Khi ra mắt thị trường Việt Nam, mẫu xe này có giá khoảng 4 tỷ đồng. Mercedes-Benz cũng khẳng định thông tin cho rằng hệ thống phanh khẩn cấp bị cắt khi xe về Việt Nam là không chính xác. Các trang bị trên xe tùy thuộc vào quyết định của nhà máy sản xuất tại Đức và quy định nhập khẩu tại từng quốc gia.

Nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn nghiêm trọng có thể đối diện mức án nào?

Vụ việc nữ tài xế N. điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn, đi sai làn đường, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cơ quan chức năng đã tạm giữ bà N. để điều tra và xác minh mức độ vi phạm cũng như hậu quả gây ra đối với các nạn nhân.

Theo luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là một vụ việc đáng tiếc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định bà N. đã vi phạm nhiều quy định khi tham gia giao thông, bao gồm:

  • Điều khiển phương tiện khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

  • Đi sai làn đường, không làm chủ tốc độ.

  • Không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.

Những hành vi trên có dấu hiệu vi phạm Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Nếu xác định có lỗi và hậu quả nghiêm trọng, bà N. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 3 - 10 năm theo khoản 2 Điều 260.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy có ít nhất 3 người bị thương nghiêm trọng với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201% trở lên, mức án có thể bị nâng lên từ 7 - 15 năm tù theo khoản 3 Điều này.

Ngoài trách nhiệm hình sự, bà N. còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng của các nạn nhân theo quy định tại các Điều 589, 590, 591 của Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường cụ thể sẽ được xác định dựa trên thiệt hại thực tế về chi phí y tế, thu nhập bị mất, tổn thất tinh thần và các khoản chi phí hợp lý khác.

Đây là tội danh không thuộc nhóm khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Điều này có nghĩa, dù các nạn nhân hoặc gia đình họ có đơn yêu cầu hay không, cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, nếu bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ gia đình nạn nhân, đây có thể được coi là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Trường hợp bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng, Tòa án có thể áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét mức phạt dưới khung hình phạt quy định.

Theo nongthonvaphattrien.vn - Link gốc

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe