
Rẻ hơn Mitsubishi Xforce & Hyundai Creta tới cả 100 triệu, Omoda C5 Luxury liệu có đủ sức hút người tiêu dùng Việt?
Mới đây, Omoda & Jaecoo đã giới thiệu phiên bản Luxury của mẫu SUV Omoda C5 tại Việt Nam. Với giá bán 499 triệu đồng, mẫu xe hiện có mức giá thấp nhất trong phân khúc SUV hạng B.
So với MG ZS bản tiêu chuẩn (518 triệu đồng) hay Mitsubishi Xforce và Hyundai Creta bản khởi điểm (599 triệu đồng), Omoda C5 Luxury tạo lợi thế nhờ mức giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, mức giá này chỉ áp dụng cho số lượng xe giới hạn, sau đó sẽ quay về mức giá niêm yết 539 triệu đồng. Theo kế hoạch, mẫu xe sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia trước khi chuyển sang lắp ráp trong nước tại nhà máy ở Thái Bình vào năm 2026.
So với các phiên bản Premium và Flagship, C5 Luxury có giá thấp hơn lần lượt 50 triệu và 130 triệu đồng nhưng vẫn giữ được phong cách SUV lai coupe và những trang bị quan trọng.
Đặc trưng của xe là mặt ca-lăng tràn viền cỡ lớn với họa tiết kim cương cùng dải mạ crôm nối liền đèn LED định vị ban ngày chữ "T" hai bên.

Tuy nhiên, một số chi tiết đã bị tinh giản để giảm giá thành:
-
Đèn pha chuyển từ full-LED xuống halogen projector
-
Gương chiếu hậu chỉ còn tính năng chỉnh điện, không có gập điện
-
La-zăng 17 inch nhỏ hơn so với bản cao cấp
-
Cụm đèn hậu LED giữ nguyên thiết kế góc cạnh
Dù có sự cắt giảm, C5 Luxury vẫn duy trì được vẻ ngoài thể thao với cánh lướt gió cầu kỳ và thiết kế mang đậm phong cách coupe.

Bên trong khoang lái, Omoda C5 Luxury vẫn giữ phong cách tối giản, loại bỏ hầu hết phím bấm vật lý. Trung tâm bảng điều khiển là cụm màn hình kỹ thuật số liền mạch với màn hình cảm ứng 10,25 inch, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay và Android Auto không dây. Một số điểm nổi bật khác trong khoang nội thất bao gồm:
-
Vô-lăng 3 chấu D-cut bọc da.
-
Chìa khóa thông minh, khởi động từ xa.
-
Điều hòa cảm ứng kết hợp cửa gió cho hàng ghế sau.
-
Hệ thống ghế thể thao bọc da pha nỉ.
-
Cổng sạc phân bố cho cả hai hàng ghế.
Tuy nhiên, so với phiên bản cao cấp, C5 Luxury bị lược bỏ sạc không dây 50W, một số phím bấm chức năng cũng bị loại bỏ, khiến khu vực bệ trung tâm trở nên đơn điệu hơn.

Trái ngược với các phiên bản cao cấp sử dụng động cơ tăng áp, Omoda C5 Luxury chỉ được trang bị động cơ xăng 1.5L hút khí tự nhiên, sản sinh công suất 111 mã lực và mô-men xoắn cực đại 138 Nm. Động cơ này đi kèm hộp số CVT và hệ dẫn động cầu trước, phù hợp cho nhu cầu di chuyển đô thị hơn là những cung đường đòi hỏi sức kéo mạnh.
Dù bị cắt giảm một số trang bị nhưng mẫu SUV vẫn đảm bảo an toàn với những tính năng đáng chú ý như:
-
Phanh ABS/EBD/BA.
-
Cân bằng điện tử.
-
Hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ xuống dốc.
-
Cảm biến lùi.
-
6 túi khí – một trang bị hiếm thấy trong tầm giá này.
Sau một thập kỷ vắng bóng, Chery trở lại thị trường Việt Nam với thương hiệu Omoda & Jaecoo, thể hiện tham vọng lớn thông qua loạt sản phẩm giá cạnh tranh và kế hoạch mở rộng hệ thống đại lý lên 39 cơ sở vào năm 2025.
Tuy nhiên, Omoda C5 Luxury sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào phân khúc SUV hạng B/B+, nơi đã có sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt đối thủ mạnh như Hyundai Creta, Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, MG ZS hay Mitsubishi Xforce.

Đặc biệt, đây cũng là sân chơi của nhiều mẫu xe Trung Quốc khác như Lynk & Co 06 (729 triệu đồng), MG ZS (518-588 triệu đồng) hay Geely Coolray (538-628 triệu đồng).
Dù có lợi thế về giá bán và chính sách bảo hành dài, Omoda C5 Luxury vẫn cần chinh phục khách hàng Việt bằng chất lượng sản phẩm thực tế, đặc biệt khi thương hiệu xe Trung Quốc vẫn chưa thực sự phổ biến tại thị trường trong nước. Nếu muốn thành công, mẫu xe sẽ phải chứng minh được độ bền bỉ và sự ổn định trong quá trình sử dụng.
Theo nongthonvaphattrien.vn - Link gốc
Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam
-
Ford Ranger616 triệu - 1,202 tỷ
-
Suzuki Jimny789 triệu - 799 triệu
-
Mitsubishi Xforce620 triệu - 699 triệu
-
Kia Seltos629 triệu - 739 triệu