
Nghệ An xóa “vạch căn” thi sát hạch lái xe: Siết chặt để đào tạo thật
Động thái này tạo ra nhiều ý kiến trái chiều nhưng cũng mở ra một cuộc tranh luận cần thiết về chất lượng đào tạo lái xe và sự an toàn trong giao thông đường bộ.
“Vạch căn” biến mất, học viên hoang mang
Ngày 9/6, mạng xã hội lan truyền hàng loạt hình ảnh cho thấy nhân viên tại trung tâm sát hạch lái xe ở Nghệ An dùng sơn để xóa các dấu hiệu được cho là "vạch căn" – những mốc phụ trợ giúp thí sinh căn chỉnh khi thực hiện bài thi sa hình.
Không chỉ có các vạch sơn mờ, nhiều vị trí có cọc gỗ hoặc vật đánh dấu gần khu vực thi ghép xe dọc cũng bị nhổ bỏ. Những dấu hiệu này lâu nay vẫn được học viên lén sử dụng như một “mẹo thi” nhằm tăng khả năng đỗ sát hạch.

Chị H.T.L., người từng thi lấy bằng ô tô tại Nghệ An, chia sẻ: “Dù luyện tập kỹ và thuê xe tập sa hình nhiều lần, tôi vẫn phải dựa vào các vạch căn để biết khi nào đánh lái, khi nào dừng xe. Ví dụ, bên phải dốc đề-pa có một vạch mờ chính là điểm tôi căn để khởi hành ngang dốc cho chính xác”.
Thực tế, việc dùng mẹo không phải cá biệt. Nhiều thí sinh đã quen thuộc với cách dùng gương chiếu hậu, chai nước hoặc điểm sơn nhỏ làm căn cứ điều chỉnh xe trong các bài thi lùi chuồng, ghép ngang hay dừng, khởi hành trên dốc.
Mẹo thi – Giải pháp tạm thời hay hệ quả lâu dài?
Không thể phủ nhận rằng các “vạch căn” đã phần nào giúp thí sinh dễ vượt qua kỳ thi sát hạch.
Tuy nhiên, chuyên gia trong ngành đánh giá việc phụ thuộc vào mẹo là biểu hiện của lối học đối phó, không phản ánh đúng năng lực điều khiển xe trong thực tế.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự ủng hộ việc xóa bỏ các điểm hỗ trợ trái phép này. Anh H.N., một lái xe lâu năm bình luận: “Ra đường làm gì có vạch căn mà nhìn? Thi mà học mẹo rồi khi va chạm thì ai chịu trách nhiệm?”.

Một người khác thẳng thắn: “Khó thì phải học cho đàng hoàng. Có khó mới biết ai đủ năng lực để điều khiển phương tiện ngoài đời”.
Cơ quan chức năng: “Đảm bảo học thật - thi thật”
Phía Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc rà soát các sân thi được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ GTVT. Hội đồng sát hạch phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường, không đúng thiết kế chuẩn của sa hình nên đã yêu cầu xóa bỏ ngay lập tức.
Đại diện lực lượng chức năng khẳng định: “Việc loại bỏ các dấu hiệu không chính thức là cần thiết.
Mục tiêu là đảm bảo tính công bằng, đồng thời nâng cao chất lượng đầu ra, bởi người có bằng lái xe phải thực sự đủ kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn ngoài đường phố”.

Việc siết chặt quy trình thi sát hạch, xóa bỏ mẹo thi là xu hướng cần thiết trong bối cảnh giao thông ngày càng phức tạp, đòi hỏi người lái phải có phản xạ, kỹ năng và ý thức đầy đủ.
Tình trạng “học mẹo, thi mẹo” có thể giúp đỗ nhanh nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi tham gia giao thông thực tế.
Việc Nghệ An mạnh tay với “vạch căn” không chỉ nhằm chỉnh đốn kỳ thi sát hạch mà còn là tín hiệu tích cực hướng tới việc đào tạo lái xe chuyên nghiệp, thực chất hơn.
Điều này đồng thời gửi gắm thông điệp: thi lấy bằng không chỉ để đỗ mà là để đảm bảo an toàn cho chính người lái và cộng đồng.
Theo nongthonvaphattrien.vn - Link gốc
Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam
-
Ford Ranger616 triệu - 1,202 tỷ
-
Suzuki Jimny789 triệu - 799 triệu
-
Mitsubishi Xforce620 triệu - 699 triệu
-
Kia Seltos629 triệu - 739 triệu