Công nghệ an toàn đang dần được người tiêu dùng Việt chú ý đến khi mua xe mới
Theo khảo sát vào năm 2021, "An toàn" là yếu tố quan trọng thứ ba trong quyết định mua xe với 27% người tham gia chọn lựa, đứng sau "Giá bán" (35%) và "Vận hành" (29%).
Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, "An toàn" đã vươn lên vị trí thứ hai với 31%, chỉ đứng sau "Giá bán" (33%) cho thấy người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề này.
An toàn trên ôtô bao gồm những gì?
Hệ thống an toàn trên ôtô được chia thành hai loại chính: thụ động và chủ động. An toàn thụ động là các tính năng được kích hoạt khi tai nạn hoặc va chạm xảy ra, giúp giảm thiểu thiệt hại cho xe và bảo vệ người ngồi bên trong.
Các thành phần bao gồm dây an toàn, túi khí, vùng hấp thụ xung lực, tựa đầu, kính chịu lực và khung xe chịu lực.
Trong khi đó, an toàn chủ động có nhiệm vụ ngăn chặn hoặc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn trước khi nó xảy ra.
Hệ thống này sử dụng các cảm biến, camera và radar để liên tục giám sát tình trạng xe và môi trường xung quanh, sau đó đưa ra các cảnh báo hoặc can thiệp vào phanh và tay lái để tránh va chạm.
Sự phát triển của công nghệ ADAS
Ngoài những tính năng quen thuộc như ABS, cân bằng điện tử và camera lùi, hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) đang trở thành xu hướng trong ngành công nghiệp ôtô. Theo Markets and Markets, thị trường ADAS toàn cầu ước tính đạt 30,9 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 65,1 tỷ USD vào năm 2030.
Sự phát triển của công nghệ và các yêu cầu nghiêm ngặt từ chính phủ khiến yếu tố an toàn ngày càng phổ biến, từ các hãng xe sang trọng đến những thương hiệu phổ thông.
Ví dụ, Volvo nổi tiếng với công nghệ an toàn đã được Geely - một tập đoàn ôtô Trung Quốc mua lại phần lớn cổ phần. Geely đã tận dụng công nghệ này để trang bị cho các thương hiệu con của mình như Lynk & Co không thua kém gì Volvo.
"Hướng dẫn sử dụng" công nghệ an toàn
Việc trang bị nhiều công nghệ an toàn cho xe là xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi lựa chọn để tránh rơi vào bẫy "option".
Danh sách dài các công nghệ không có ý nghĩa nếu chúng không hoạt động hiệu quả. Do đó, việc thử nghiệm và đảm bảo chất lượng của các tính năng an toàn thụ động là điều vô cùng quan trọng.
An toàn thụ động đóng vai trò là lớp bảo vệ cuối cùng, đặc biệt là trong các vụ tai nạn tốc độ cao trên cao tốc. Các thử nghiệm của các tổ chức độc lập như NCAP hay IIHS giúp người dùng đánh giá khả năng bảo vệ của xe. Các chứng nhận từ những tổ chức này trở thành yếu tố quan trọng trong việc xây dựng uy tín và tăng sức hút của các hãng xe.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định bắt buộc các hãng xe phải công bố kết quả thử nghiệm độc lập nên người tiêu dùng thường chỉ thấy thông tin khi mẫu xe đạt điểm cao. Để có thêm thông tin, người dùng có thể tra cứu kết quả thử nghiệm từ các tổ chức như NCAP.
Lái xe an toàn là yếu tố quan trọng nhất
Cuối cùng, công nghệ an toàn dù thụ động hay chủ động chỉ là công cụ hỗ trợ. Người lái xe cần tuân thủ luật giao thông và luôn giữ tâm thế tỉnh táo khi tham gia giao thông.
Việc hiểu rõ cách vận hành của từng tính năng, đặc biệt là các công nghệ ADAS là vô cùng quan trọng. Các công nghệ có thể có tên gọi giống nhau nhưng nguyên tắc hoạt động lại khác nhau, ví dụ như kiểm soát hành trình và kiểm soát hành trình thích ứng.
Phạm Nguyên - một tài xế ở Vũng Tàu chia sẻ: "Nhiều công nghệ an toàn là tốt nhưng tôi nghĩ xe vẫn chưa đủ thông minh để phán đoán tình huống tốt như con người, do đó an toàn nhất vẫn là tôi chủ động mọi thứ, ít nhất là trong thời điểm hiện tại."
Theo nongthonvaphattrien.vn - Link gốc
Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam
-
Ford Ranger616 triệu - 1,202 tỷ
-
Suzuki Jimny789 triệu - 799 triệu
-
Mitsubishi Xforce620 triệu - 699 triệu
-
Kia Seltos629 triệu - 739 triệu