Phân biệt tên gọi và đặc điểm các kiểu dáng xe thường gặp

16:26 | 15/07/2021 - Quang Anh
Theo dõi Auto5 trên
Thông qua những điều cần biết về các thuật ngữ: SUV, sedan, hatchback... độc giả sẽ có thêm tiêu chí để lựa chọn một chiếc xe phù hợp với mục đích của bản thân.

Với việc các nhà sản xuất xe hơi liên tục đưa ra những thiết kế mới phong phú và đa dạng, nhiều kiểu dáng xe cũng được giới thiệu với khách hàng để phù hợp với từng mục đích sử dụng. Sau đây là một số kiểu dáng xe thông dùng thường gặp tại Việt Nam

Sedan

Sedan là một kiểu dáng xe truyền thống với cách bố trí 3 khoang tách biệt (khoang động cơ - khoang hành khách - khoang hành lý), gầm thấp, 4 cửa và thường được bố trí với kết cấu 4 hoặc 5 chỗ ngồi.

Với những đặc điểm kể trên, những chiếc sedan thường được sử dụng với mục đích đi lại là chủ yếu, không phù hợp với mục đích vẫn chuyển hàng hóa do không gian hành lý bị hạn chế. Ngoài ra, xe còn mang đến một cảm giác lái thoải mái hơn các kiểu dáng khác cùng lợi thế về khả năng cách âm.

Đại diện: Hyundai Accent, Kia Cerato, Honda City, Toyota Camry...

Coupe

  • Coupe 2 cửa

Coupe là cũng là một kiểu dáng xe truyền thống với kết cấu 2 chỗ ngồi hoặc 2+2 (4 chỗ cơi nới), mui kín có phần mái kéo dài xuống phần đuôi xe ngắn. Những chiếc xe có kiểu dáng này được thiết kế phong cách thể thao, động cơ công suất lớn và không có trụ B.

Đại diện: Jaguar F-type, Porsche 911, Toyota Supra,...

  • Coupe 4 cửa

Khái niệm Coupe 4 cửa vẫn còn là một điều khá tranh cãi khi nhìn tổng thể đây vẫn là một chiếc sedan với cấu trúc 3 hộp, thường được nhiều hãng xe Đức sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn ghi nhận đây là một biến thể của sedan đơn cử như thị trường Việt Nam.

Điểm khác biệt nằm ở phần mui xe kéo dài xuống đuôi giống như Coupe truyền thống. Không gian dành cho hành khách phía sau sẽ bị hạn chế hơn sedan vì thiết kế thoải dài từ mui xe đổ về phần đuôi của coupe.

Đại diện: Audi A7, Mercedes-Benz C-Class, BMW 2 Series Gran Coupe...

Hatchback

Hatchback là những chiếc xe có kích thước nhỏ hoặc tầm trung thường dùng cho cá nhân hoặc gia đình có nhu cầu chở nhiều hành lý hơn so với sedan. Xe có thiết kế phần đuôi xe không kéo dài như sedan mà cắt thẳng ờ hàng ghế sau, thông với cửa khoang lý. Hàng ghế sau có thể gập xuống để tăng không gian để đồ.

Ở thị trường châu Âu, hatchback còn có tên gọi khác là wagon hoặc station-wagon để nhận biết một chiếc sedan có đuôi kéo dài kiểu hatchback để chở hàng hóa.

Đại diện: Kia Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Yaris, Mercedes-Benz A-Class...

SUV

SUV là viết tắt của Sport Utility Vehicle, có nghĩa là xe thể thao đa dụng. Đây là một kiểu dáng xe với đặc điểm nổi bật là gầm cao, khung tách rời khỏi thân xe (body-on-frame), khoang hành khách thông với khoang hành lý.

SUV và CUV (Crossover) có kiểu dáng rất dễ nhầm lẫn do đều được thiết kế theo kiểu gầm cao, bánh xe lớn, diện mạo hầm hố, to lớn. Tuy nhiên, SUV có khả năng chạy đường dài, off-road tốt hơn nhờ được xây dựng theo dạng body-on-frame (giống xe bán tải), được trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn phần.

Đại diện: Toyota Fortuner, Ford Everest, Toyota Land Cruiser, Ford Explorer, Mitsubishi Pajero Sport...

Crossover (CUV)

Crossover với tên đầy đủ là Crossover Utility Vehicle (CUV) là đứa con lai giữa SUV truyền thống và xe độ thị (thường là sedan). Đây là một kiểu dáng xe gầm cao giống SUV nhưng lại có thiết kế khung gầm liền khối giống sedan. CUV thường có thiết kế linh động và diện mạo ấn tượng hơn SUV, phù hợp với các gia đình trẻ tại các đô thị.

Những chiếc xe với kiểu dáng CUV hiện đang "làm mưa làm gió" tại rất nhiều thị trường trên thế giới. Nhiều nhà sản xuất xe đang hướng dần trọng tâm sang sản xuất xe CUV với nhu cầu ngày càng lớn, là một giải pháp linh động cho những gia đình thành phố nhưng thích phong cách SUV.

Đại diện: Kia Seltos, Hyundai Tucson, Toyota Corolla Cross, Honda CR-V...

MPV (Minivan)

Minivan hay MPV (Multi-Purpose Vehicle) xe đa dụng là mẫu chủ yếu được sử dụng cho gia đình, có khả năng linh động chuyển đổi giữa chở người và chở hàng hóa. MPV thường có phần gầm xe cao hơn sedan và thấp hơn SUV/CUV.

Đây là dòng xe được thiết kế chuyên chở khách hoặc dành cho những gia đình có nhu cầu chở người và hàng hóa cao. Đặc điểm nổi bật của dòng xe này là phần đầu khá ngắn; phần thân thuôn dài, to ra và cao hơn giúp tận dụng khí động học khi di chuyển. Tiết kiệm nhiên liệu và không gian linh động là ưu điểm của dòng xe này.

Đại diện: Kia Rondo, Mitsubishi Xpander, Toyota Innova, Kia Sedona...

Pickup Truck (Bán tải)

Bán tải được biết đến như một sự kết hợp giữa xe tải cỡ nhỏ và xe gia đình. Dòng xe này đang dần phổ biến hơn tại Việt Nam do nó sở hữu dáng vẻ mạnh mẽ, linh hoạt và đa dụng

Bản tải được thiết kế dựa trên phần khung xe tách rời giống SUV tuy nhiên sở hữu khoang cabin và thùng xe (khoang hành lý) riêng biệt. Điều đặc biệt là dòng xe này cho phép chủ sở hữu vẫn chuyển hàng hóa quá khổ mà những chiếc MPV không thể làm được.

Đại diện: Ford Ranger, Toyota Hilux, Mazda BT-50, Nissan Navara, Mitsubishi Triton

Convertible (Mui trần)

Đây là thuật ngữ chung dùng cho những chiếc xe mui trần. Loại xe này đóng/mở phần mui xe, có thể được làm bằng vải mềm hoặc kim loại cứng và xếp gọn vào phía sau. Mui trần còn có tên gọi là Cabriolet tại thị trường châu Âu.

Mui trần mui cứng
Mui trần mui cứng

Tại thị trường Việt Nam, khi nhắc tới xe mui trần thi thường liên tưởng đến những chiếc siêu xe đắt tiền, động cơ mạnh mẽ cùng kiểu dáng thể thao.

  • Mui cứng thường được thiết kế cho các dòng siêu xe hiện đại, tạo cảm giác cứng cáp, mạnh mẽ trong vận hành, độ an toàn, cách âm và chống trộm tốt nhưng thường nặng nề và chiếm chỗ khi mở mui, chi phí sửa chữa cao.
Mui trần mui mềm
Mui trần mui mềm
  • Xe mui mềm thường dành cho các dòng xe thể thao du lịch hoặc lai sedan, không gian rộng, trọng lượng nhẹ, tốc độ đóng mở nhanh hơn cùng giá thành “mềm” hơn nhưng độ an toàn cũng như chống trộm kém hơn.

Đại diện: Porsche 911 Sypder, Tesla Roadster, Pagani Huayra Roadster...

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Link gốc

Từ khóa: kiểu dáng xe, SUV, sedan

Mẫu xe phổ biến ở Việt Nam

Hãng xe tìm kiếm nhiều nhất
Mẫu xe